Nhiễm trùng đường tiểu là bệnh nhiễm trùng thường gặp. Nguyên nhân do sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu.
Bệnh gặp mọi lứa tuổi
Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi, khuẩn niệu chiếm 2,7% bé trai và 0,7% bé gái, do liên quan đến hẹp da quy đầu. Ở trẻ từ 1 – 5 tuổi, tần suất khuẩn niệu ở bé gái tăng đến 4,5% còn ở bé trai giảm còn 0,5%. Hầu hết nhiễm trùng ở trẻ dưới 5 tuổi liên quan đến bất thường bẩm sinh đường niệu. Từ 6 – 15 tuổi, nhiễm trùng thường liên quan đến bất thường chức năng đường niệu (rối loạn đi tiểu). Ở trẻ lớn, tần suất nhiễm trùng niệu tăng rõ rệt (đến 20%) ở phụ nữ trẻ.
Yếu tố nguy cơ chính ở phụ nữ 16 – 35 tuổi là do giao hợp. Sau tuổi này, tần suất nhiễm trùng gia tăng rõ rệt ở cả hai giới. Ở phụ nữ từ 36 – 65 tuổi, phẫu thuật phụ khoa và sa bàng quang là các yếu tố nguy cơ. Ở tuổi này, ở nam giới thì bế tắc đường tiểu do bướu tiền liệt tuyến, đặt ống thông và phẫu thuật là các yếu tố nguy cơ. Ở bệnh nhân trên 65 tuổi, tần suất nhiễm trùng niệu tiếp tục tăng ở cả hai giới. Bệnh nhân nhỏ hơn 1 tuổi và lớn hơn 65 tuổi có tỷ lệ thương tật và tử vong cao nhất.
Ở trẻ nhũ nhi, vi khuẩn từ tã lót dính phân có thể đi vào đường tiểu và gây bệnh. Phụ nữ có thói quen lau hậu môn từ sau ra trước khi đại tiện xong cũng dễ mắc bệnh. Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như do sỏi bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, hẹp niệu đạo, dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, đái tháo đường, hẹp bao quy đầu, sỏi thận, hẹp niệu đạo do bẩm sinh hoặc do chấn thương…
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng nhiễm trùng niệu rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi và vị trí nhiễm trùng trên đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiểu dưới ở người lớn, viêm bàng quang cấp thường gặp nữ giới. Đau hạ vị, đau trên xương mu, đôi khi tiểu máu, nước tiểu đục, hôi, tiểu đau, gắt buốt, tiểu khó mặc dù rất muốn tiểu, tiểu nhiều lần. Cảm giác toàn thân không được khoẻ, giao hợp đau.
Viêm niệu đạo cấp: Lậu cầu, vi khuẩn khác thường lây lan sau giao hợp. Tiểu đau nóng rát bỏng, chảy mủ. Viêm tuyến tiền liệt, thường xảy ra ở nam giới lớn tuổi, sốt lạnh run, đau vùng tầng sinh môn – trực tràng, tiểu nhiểu lần, tiểu gắt, tiểu gấp, có thể bí tiểu. Nhiễm trùng đường tiểu kéo dài có thể gây các biến chứng như viêm thận bể thận cấp, mạn, viêm bàng quang mạn, áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết, suy thận cấp. Trẻ em có trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận nhanh chóng đưa đến suy thận mạn. Phụ nữ có thai bị bệnh có thể gây đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh…
Những trường hợp viêm bàng quang nhẹ nhàng có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vì chúng có khả năng gây nên những biến chứng nặng nề nên nhiễm trùng đường tiểu dù nặng hay nhẹ đều được khuyến cáo điều trị kỹ càng.
Để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, vệ sinh sạch vùng sinh dục trước khi giao hợp, thay tã cho trẻ ngay khi đi tiêu, uống nhiều nước, không được nhịn tiểu, không nên tắm bồn tắm. Tập cho bé gái thói quen lau hậu môn từ trước ra sau khi đi vệ sinh.
Theo Kienthuc