Cây vẩy ốc còn gọi là cây xộp, trâu cổ,… Tên khoa học là Picus phmila Linn. Cây mọc hoang ở khắp nơi leo trên vách đá, trên cây cổ thụ. Bộ phận dùng làm thuốc là: quả, rễ, dây và lá.
Theo Đông y, quả cây vẩy ốc vị ngọt, mát; rễ, dây vị hơi đắng, tính bình; lá hơi chua, tính sáp, mát. Quả tác dụng làm mạnh dương, bền chặt tinh, lợi thấp, thông sữa, trị kiết lỵ lòi dom, kinh nguyệt không đều, lợi sữa, phong thấp, nhọt sưng, viêm dịch hoàn. Rễ, dây tác dụng hoạt lạc, thanh huyết giải độc trị phong thấp. Lá tác dụng tiêu sưng, giải độc. Sau đây là một số cách dùng cây vẩy ốc chữa bệnh:
Cây vẩy ốc
Trị phong thấp, tay chân các khớp đau, vận động khó: cây vảy ốc 12 – 20g. Sắc uống.
Trị eo lưng các khớp, đốt đau: cây vẩy ốc 80g, rượu một nửa, nước một nửa sắc, cho thêm một ít đường đỏ uống ngày 1 thang.
Trị sán khí (khí trệ làm đau bụng, đại tiểu tiện không thông): Dây vẩy ốc 40g, rễ mộc thông 80g. Sắc lấy nước bỏ bã, thêm 1 quả trứng gà nấu uống ngày 1 thang.
Trị đái dắt, đái ra máu: lá cây vẩy ốc 1 nắm, cam thảo nướng 1 phân, sắc uống trong ngày.
Trị đi tiểu khó, ra máu, niệu đạo đau nhói: cây vẩy ốc 40g, cam thảo 4g, sắc uống trong ngày.
Trị sau ốm dậy, người gầy yếu: dây cây vẩy ốc 80g nấu với gà ăn.
Trị phụ nữ có hiện tượng đẻ non: cành, lá cây vẩy ốc 40g, cuống lá sen 7 cái, rễ gai (lá gai làm bánh) 4g, 1 quả trứng gà, nấu uống.
Trị trẻ em gầy yếu, suy dinh dưỡng: cây vẩy ốc 80g nấu với gà ăn.
Trị trẻ con thấp chẩn (da ngứa ngáy, nổi ban, mụn nhọt): lá cây vẩy ốc tươi 80g, hoàng liên 12g, gạo tẻ vừa đủ. Tất cả cho vào nồi nấu nhừ, lấy nước xát chỗ đau và lấy nước uống 2 – 3 thìa canh, ngày uống 2 – 3 lần.
Trị lở loét mọc vẩy sưng đau: cây vẩy ốc 40g sắc uống, lá tươi giã đắp chỗ đau.
Trị nhọt sưng đau: lá cây vẩy ốc tươi, lá canh châu (tước mai đằng) lượng bằng nhau sắc nước uống. Bên ngoài dùng lá tươi giã đắp chỗ đau.
Theo suckhoedoisong