Với thức ăn, mỗi loại thuốc uống có nguyên tắc riêng có những yếu tố lợi, hại ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Vậy viên thuốc có quan hệ gì với bữa ăn, tuy không phải là tất cả nhưng có một số thuốc điều trị có mối quan hệ ràng buộc này. Muốn kết quả điều trị tốt cần phải tuân theo cách uống.
Thuốc với dạ dày, những điều nên biết
Thức ăn cần được acid dạ dày phân hủy lớp màng bao quanh, tạo điều kiện để các men tiêu hóa trong dạ dày, ruột, tụy ngấm vào và tiêu hóa thức ăn. Nếu không có acid thì lớp màng khó bị tiêu hủy và các men này khó lách được vào. Trong khi có bệnh và uống thuốc, chúng ta vẫn cần phải ăn, vậy chúng có ảnh hưởng tới nhau như thế nào?
Nồng độ trong máu của một loại thuốc uống phụ thuộc vào mức hấp thu của nó qua đường tiêu hóa. Một số yếu tố của dạ dày như pH dịch vị, dạ dày rỗng hoặc đầy thức ăn… có ảnh hưởng tới quá trình hấp thu thuốc làm tăng hoặc giảm hiệu suất điều trị. Dạ dày rỗng, hay khi chứa nhiều thức ăn có độ pH khác nhau: khi no pH tăng đến 3 hoặc hơn nữa tùy thuộc chế độ ăn, nhưng khi đói dịch dạ dày sẽ tăng tính acid độ pH chỉ còn khoảng 1,7-1,8, thuốc sẽ thay đổi hấp thu tùy theo pH. Mặt khác, dạ dày khi no hay đói cũng có ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của thuốc. Uống thuốc vào lúc đói chỉ cần 10 – 30 phút là thuốc từ dạ dày xuống ruột, nhưng nếu uống vào lúc no tốc độ di chuyển thuốc sẽ chậm, phải mất 1-4 giờ mới qua khỏi dạ dày. Vậy, nếu uống thuốc khi ăn no thuốc sẽ tồn lâu ở dạ dày, hậu quả tốt hay xấu còn tùy theo từng loại thuốc điều trị.
Những thuốc cần uống lúc no
Đó là các loại thuốc mà kích thước hạt chịu ảnh hưởng cùng với độ hấp thu như nitrofurantoin (điều trị nhiễm khuẩn cấp hoặc mạn tính ở niệu đạo), griseofulvin (thuốc kháng sinh điều trị các loại nấm ngoài da), spironolacton (điều trị xơ gan cổ trướng, phù nề)… nên uống trong bữa ăn thì dịch dạ dày và thức ăn sẽ nhào nặn giúp các hạt thuốc trộn đều làm tăng độ ẩm và dễ hấp thu. Với các thuốc tan mạnh trong dầu mỡ như sulfamid, griseofulvin, phenytoin (trị động kinh và các cơn tâm thần vận động)… thì nên uống trong bữa ăn giàu chất béo. Phần lớn các thuốc kháng nấm ketoconazol nên uống trong bữa ăn để giảm bớt các hiện tượng không dung nạp đường tiêu hóa và cải thiện sự hấp thu, nhưng cần tránh uống rượu.
Các vitamin nhất là nhóm hòa tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K thì nên uống trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn để dầu mỡ có trong thức ăn giúp vitamin dễ hòa tan, cơ thể hấp thu tốt.
Các thuốc chống viêm hạ nhiệt giảm đau không steroid: aspirin, ibuprofen, ketoprofen, diclofenac, kèm với nguy cơ loét dạ dày, cần uống thuốc vào bữa ăn và không được uống rượu.
Các thuốc chống sốt rét như chloroquin (niraquin), proguanil (paludein), mefloquin (lariam): uống vào cuối bữa ăn để cải thiện sự dung nạp đường tiêu hóa.
Những thuốc cần uống xa bữa ăn
Thuốc kháng sinh tetracyclin dễ tạo phức với ion canxi hóa trị 2 (Ca 2+ trong thức ăn nhất là sữa), hay các cation kim loại khác có trong thức ăn làm biến đổi tính chất của thuốc mất tác dụng kháng sinh. Bởi vậy, cần uống tetracyclin và các biệt dược của nó cách xa bữa ăn (trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 1,5 – 2 giờ). Với thuốc kháng sinh ampicilin cũng dễ bị ức chế bởi thức ăn, không nên uống ngay sau bữa ăn; tuy nhiên, amoxycilin (chỉ định như ampicilin) thì không bị ức chế bởi thức ăn. Với đa số các kháng sinh nhóm macrolid (erythromycin, spiramycin, josamycin…) sự hấp thu sẽ tốt hơn nếu dùng xa bữa ăn và nên uống vào lúc đói; đối với erythromycin nên uống ngay trước bữa ăn. Cefalexin (ceporexin, reforal), oxacilin phải uống xa bữa ăn để hấp thu tốt hơn.
Những thuốc có tác dụng phụ gây nôn do cơ chế trung ương như opiat, thuốc chống ung thư… thì cần phải uống xa bữa ăn.
Thuốc nhuận tràng làm trơn (dầu paraffin) nên uống một lần vào buổi sáng, xa các bữa ăn để tránh cản trở hấp thu các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K).
Những thuốc không liên quan với bữa ăn
Đó là những thuốc không bị thức ăn làm ảnh hưởng đến hấp thu hoặc phá hỏng, có thể uống vào lúc nào cũng được. Thí dụ, với các kháng sinh nhóm quinolon (norfloxacin, ofloxacin, ciprofloxacin…) có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn, sự hấp thu không bị ảnh hưởng. Amoxycilin (clamoxil) cũng vậy, có thể uống trong khi ăn hoặc ngoài bữa ăn. Thuốc tadalafil (chữa rối loạn cương dương) sự hấp thu thuốc không liên quan tới bữa ăn và thời điểm dùng thuốc, có thể uống tùy ý. Các thuốc tránh thai dạng uống có thể uống trong hoặc ngoài bữa ăn cũng được, nhưng cần phải uống vào giờ cố định sáng hoặc tối.
Theo suckhoedoisong