Một trong những cột mốc quan trọng đầu đời của trẻ chính là khi những chiếc răng sữa lung lay và rụng đi. Răng vĩnh viễn sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.
Thời điểm này cũng là lúc mà các phụ huynh cần theo dõi cẩn thận sự phát triển răng miệng của con em mình.
Quá trình thay răng diễn ra như thế nào?
6-12 tuổi là giai đoạn thay răng phổ biến nhất. Một vài trường hợp sớm hoặc muộn hơn. Vào tầm 12 hay 13 tuổi, chiếc răng sữa cuối cùng sẽ rụng đi.
Răng thay theo thứ tự như lúc chúng bắt đầu mọc. Tùy vào đặc điểm của từng loại răng và vị trí răng mà thời gian thay răng diễn ra ngắn hay dài khác nhau. Ví dụ: răng một chân như răng cửa, răng nanh sẽ thay chỉ trong vài tuần, nhưng đối với các răng nhiều chân như răng cối, thời gian lâu hơn, từ một đến 2 tháng. Các răng bị chèn ép bởi các răng khác cũng sẽ thay lâu hơn.
Răng sữa rụng đi, để lại vùng nướu chưa có răng mọc. Trẻ có xu hướng hay chạm tay hay lưỡi vào vùng này, dễ gây viêm nướu. Các bậc phụ huynh nên chú ý dặn dò tránh những thói quen xấu như vậy.
Có cần đưa trẻ đến trung tâm nha khoa?
Giai đoạn thay răng rất quan trọng, là tiền đề cho hàm răng vĩnh viễn sau này. Vì thế, cần đưa trẻ tới các phòng khám nha để theo dõi thường xuyên, ngay cả khi các bậc phụ huynh thấy răng trẻ mọc đều và thẳng.
Đặc biệt, không được tự ý nhổ răng cho trẻ tại nhà dù bằng phương tiện gì (dân gian hay dùng chỉ để nhổ). Việc làm này rất dễ gây chảy máu chân răng và tạo nên một vết thương hở ở nướu răng, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng. Khi những chiếc răng bắt đầu lung lay, các bố mẹ nên đưa trẻ đến nha khoa, ở đây bác sĩ sẽ lựa chọn cách xử lý thích hợp nhất: hoặc nhổ hoặc tiếp tục chờ răng rụng.
Một số trường hợp đặc biệt như răng vĩnh viễn bị thiếu chỗ mọc lên, dẫn đến mọc lệch, các nha sĩ sẽ chỉ định nhổ sớm hoặc mài bớt cạnh của răng sữa lân cận để chiếc răng vĩnh viễn đó mọc đúng vào vị trí. Hay trường hợp vĩnh viễn thay thế đã mọc lên nhưng răng sữa không tự rụng đi, nha sĩ sẽ chủ động nhổ răng sữa để răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ.
Trong giai đoạn này, tránh tối đa các thói quen xấu như nghiến răng, thở bằng miệng, mút môi, chống cằm, mút tay, lấy lưỡi đẩy vào răng… Những thói quen này sẽ dẫn đến tình trạng răng hô, móm, răng mọc lệch, răng mọc chen chúc hoặc quá thưa, hay răng hàm trên không ăn khớp với răng hàm dưới. Nếu không được khắc phục kịp thời sẽ rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ nụ cười của trẻ sau này.
Trong giai đoạn thay răng trẻ nên chú ý:
Hạn chế đồ ngọt, đồ cứng khó nhai, kẹo cao su.
Nếu trẻ đau răng mọc lên, có thể cho trẻ ăn các thức ăn mềm như cháo, súp.
Tránh chạm tay, lưỡi vào chỗ nướu bị trống.
Dạy trẻ cách chăm sóc vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn.
Tóm lại, trong giai đoạn này, phụ huynh nên quan tâm nhiều đến sự thay răng của trẻ, để trẻ có thể có một nụ cười đều đẹp về sau.
Theo kienthucsuckhoe