Chiều cao của con người khi trưởng thành chịu ảnh hưởng một số yếu tố bao gồm di truyền, giới tính, sức khỏe tổng thể và dinh dưỡng.
Con sẽ cao được bao nhiêu?
Đó là câu hỏi hết sức tự nhiên, gợi mở dự đoán thú vị. Cho đến nay, mọi dự đoán chiều cao của trẻ khi trưởng thành đều là tương đối nên chỉ mang tính chất tham khảo. Chính xác nhất là kỹ thuật được bác sĩ nhi khoa và nội tiết áp dụng. Từ chẩn đoán hình ảnh xương tay và cổ tay, kết hợp với số liệu tuổi xương và tuổi thực tế, các chuyên gia sẽ đưa ra ước lượng hợp lý về chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
Một phương pháp khác là theo gene, từ chiều cao của cha mẹ mà dự đoán chiều cao của con. Cụ thể, cộng chiều cao của cả bố mẹ, chia 2, sau đó nếu là con trai thì cộng thêm 6,5cm, còn con gái thì trừ đi 6,5cm. Tuy vậy, con số thực tế có thể xê dịch đến 10cm.
Đơn giản hơn là phương pháp 2 năm. Giáo sư David Ravine từ Viện nghiên cứu y tế Tây Úc giải thích: “Theo cách tính này, chiều cao trưởng thành có thể ước lượng bằng cách nhân đôi chiều cao khi trẻ 2 tuổi”. Cũng có người phân biệt rằng nếu là con trai dự đoán chính xác nhất lúc tròn 2 tuổi, con gái thì ở thời điểm 18 tháng.
Yếu tố quyết định chiều cao
Chiều cao của con người khi trưởng thành chịu ảnh hưởng một số yếu tố bao gồm di truyền, giới tính, sức khỏe tổng thể và dinh dưỡng. Di truyền và giới tính chiếm khoảng 70% nhân tố quyết định chiều cao, bởi trong mỗi người có một sự kết hợp các gene mã hóa cho sự phát triển xương, kích thích tố tăng trưởng và các enzyme chuyển hóa. 30% còn lại xuất phát từ yếu tố môi trường, ví dụ, trẻ suy dinh dưỡng dễ bị thấp còi, ngược lại, dinh dưỡng tốt trong thời kỳ nằm trong bụng mẹ và trong những năm đầu đời sẽ giúp tăng chiều cao ở trẻ.
Thời kỳ bào thai, giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi và thời kỳ dậy thì là 3 giai đoạn “vàng” về tăng trưởng chiều cao ở mỗi người. Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là mỗi trẻ phát triển ở mức độ khác nhau. Vì thế, việc theo dõi chiều cao của con, so sánh với biểu đồ tăng trưởng chiều cao và cân nặng nói chung là cần thiết, giúp phụ huynh có sự điều chỉnh tương ứng, đồng thời nếu phát hiện lệch chuẩn nhiều thì nên kiểm tra sớm.
“Thúc” phải đúng cách
Về chế độ ăn, để trẻ phát triển chiều cao đều đặn, ngoài việc bổ sung nguồn canxi từ sữa thì cũng không thể bỏ qua nguồn canxi từ các loại thực phẩm khác như tôm, cua, ốc… Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vitamin A, D (có nhiều trong sữa, trứng, rau xanh và trái cây tươi), lysin, sắt, kẽm, iốt vào chế độ ăn của trẻ. Cho trẻ tắm nắng hàng ngày để da tổng hợp đủ vitamin D giúp cho quá trình tạo xương. Đừng cho trẻ ăn quá nhiều đạm, muối vì có thể hạn chế khả năng hấp thụ và sử dụng canxi của cơ thể, ảnh hưởng không tốt đến chiều cao. Nên uống thêm các loại men vi sinh có chứa thành phần sữa non có lợi cho việc phát triển chiều cao của con trẻ.
Cùng với đó, đảm bảo cho trẻ được ngủ đủ giấc, sâu giấc, nhất là giấc ngủ ban đêm vì hormone tăng trưởng do tuyến yên tiết ra về ban đêm, khi trẻ ngủ say là cao nhất. Thực tế, có những trẻ ngủ nhiều có thể còi về dinh dưỡng nhưng chiều cao lại phát triển rất tốt, còn những trẻ ngủ quá muộn, ngủ nhiều ban ngày thì lượng hormone tiết ra rất ít, thường chậm phát triển chiều cao.
Ngoài ra, trẻ cũng nên có sự vận động phù hợp như chơi các môn thể thao có động tác vươn người (bơi, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, xà đơn) để phát triển chiều cao tối đa.
Theo Anninhthudo