Sán ở người là loại bệnh mà khá nhiều người Việt mắc phải nhưng lại ít được chú ý. Sán có thể vào cơ thể người một cách vô tình từ các loại rau, nước uống chưa được nấu chín.
Hạn chế ăn rau sống, các món gỏi để phòng giun sán. Ảnh: P. V
Bệnh nhân thường chủ quan
BS Trần Huy Thọ – Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, mỗi năm khoa điều trị cho hơn 1.000 ca mắc các loại sán như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán não. Trong số đó, đa phần các bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn và sán não.
Theo BS Thọ, các bệnh nhân thường đến viện khá muộn, khi bệnh đã nặng. Đa phần bệnh nhân đã trải qua việc khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không phát hiện được bệnh. Biểu hiện của những người mắc sán chỉ là mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút hay sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài; da xanh, đau đầu, rối loạn tiêu hóa.
Chính vì những biểu hiện này khá giống nhiều bệnh khác nên bệnh nhân thường chủ quan, ít nghĩ tới việc mình bị “dính” sán.
Một số bệnh nhân cho biết, mình ăn uống rất sạch sẽ nhưng không hiểu sao vẫn nhiễm sán. BS Thọ cho rằng, việc mắc sán đôi khi do vô tình trong ăn uống. Người dân ở một số vùng có thói quen ăn gỏi hay đồ sống (rau sống, rau thủy sinh) nên có tỷ lệ các bệnh liên quan đến sán khá cao.
Có những trường hợp mắc sán 5-10 năm sau mới phát bệnh rõ ràng. Lúc ấy bệnh nhân mới đến viện điều trị. Hậu quả của việc mắc sán có thể khiến người bệnh mờ mắt, động kinh, giảm trí nhớ, co giật.
Có bệnh nhân đến viện điều trị trong tình trạng bị rối loạn tiêu hóa, đã điều trị kéo dài nhưng không khỏi khiến bệnh nhân trở nên suy kiệt dần. Một số bệnh nhân mắc sán lá gan lớn gây tổn thương gan gần như bệnh ung thư gan. Đặc điểm của sán lá gan lớn là có thể tạo thành những khối áp xe trên gan khiến việc siêu âm thường nhầm tưởng là một khối u.
Bệnh vào từ miệng
Chính vì nhiều người không nghĩ đến khả năng mắc sán và các biểu hiện không rõ ràng nên nhiều bệnh nhân tự điều trị hoặc đến những cơ sở y tế nhỏ để khám nên khó phát hiện ra việc mắc sán. Các bác sỹ ở Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, thường phải dựa vào siêu âm, xét nghiệm máu, phân để phát hiện ra bệnh nhân có mắc sán hay không.
Tuy nhiên, để thay đổi thói quen ăn uống cũng như quan niệm về bệnh sán là cả một chặng đường dài. Các bác sỹ cho rằng, việc ăn chín uống sôi là cách hạn chế mắc sán tốt nhất nhưng thói quen này của nhiều người dân vẫn chưa thể thay đổi được. Hơn nữa, nhiều người khi mắc các bệnh về ký sinh trùng thường mặc cảm và có tâm lý ngại đi khám.
Từ tâm lý ngại khám của nhiều bệnh nhân, các bác sỹ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương đã quyết định sẽ khám và xét nghiệm cho bệnh nhân tại nhà khi được đề nghị. Bệnh nhân chỉ phải chi trả như quy định của nhà nước đối với các dịch vụ y tế khác.
Sán não thường xuất hiện ở các vùng dân cư có mức sống thấp, ăn uống không hợp vệ sinh (sử dụng một số thức ăn chưa được nấu chín như tiết canh, lòng lợn, gỏi…) trong khi nuôi lợn còn thả rông, chưa có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn…
Ăn sống các loại rau thủy sinh có ấu trùng sán lá gan lớn (như rau ngổ, cải xoong, rau muống, rau diếp cá, rau đắng…) sẽ bị nhiễm bệnh. Người bị nhiễm sán lá gan thường bị đau tức vùng gan (hông phải), sốt, gầy sút, ngứa nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa.
Ấu trùng sán lá gan thường gây ra những ổ áp-xe nhỏ trong gan, vì thế, dễ bị chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng xuất huyết, thiếu máu nặng, vỡ bao gan, thậm chí tử vong.
Theo suckhoedoisong