Dưới đây là một số loại thực phẩm được các chuyên gia đánh giá cao trong việc giúp tăng cường mức cholesterol có ích (HDL) trong cơ thể. Việc đầu tiên bạn cần làm là giới hạn hoặc tránh tiêu thụ hoàn toàn các loại chất béo bão hòa và trans fat.
Bổ sung các loại chất béo có ích: Bạn nên thay thế các loại chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đơn (monounsaturated fat), chất béo không bão hòa đa (polunsaturated fat) và các loại axít béo omega-3. Các loại thực phẩm chứa các chất béo có ích cần được thường xuyên tiêu thụ trong chế độ ăn của bạn để tăng mức HDL bao gồm dầu ôliu, quả hạch, quả bơ, cá ngừ, cá mòi và hạt lanh.
Sô-cô-la đen: Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, sô-cô-la đen chứa nhiều cacao và polyphenol giúp làm gia tăng mức HDL. Trong cuộc nghiên cứu, những người tham gia đã được yêu cầu ăn 45g sô-cô-la/ngày và mức HDL trong máu của họ đã được cải thiện một cách đáng kể.
Nếu bạn bổ sung sô-cô-la trong chế độ ăn, hãy tránh đừng ăn quá nhiều vì loại thực phẩm này rất giàu calo, có thể gây hại cho cơ thể. Và cũng đừng quên rằng bạn phải chọn loại sô-cô-la giàu chất cacao để nhận được lợi ích cao nhất trong việc tăng cường mức HDL.
Vitamin D và canxi: Kết quả một cuộc nghiên cứu đã được công bố trên American Jounal of Clinical Nutrition cho thấy, những người thường xuyên bổ sung đầy đủ lượng vitamin D (200 IU) và canxi (600mg), có tác dụng giúp gia tăng mức HDL trong cơ thể.
Bạn có thể nhận được canxi bằng cách tiêu thụ các loại thực phẩm như các sản phẩm chế biến từ bơ, sữa, rau lá xanh, cá, các loại nước trái cây, đậu lăng, quả sung đã sấy khô và quả mơ.
Để tăng cường mức vitamin D cho cơ thể, bạn nên tắm nắng 10-15 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày các loại thực phẩm giàu vitamin D khác, bao gồm trứng, sữa, cá thu, cá ngừ và viên nang bổ sung được chiết xuất từ dầu cá.
Rượu: Theo các chuyên gia, rượu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gia tăng mức HDL trong cơ thể. Tuy nhiên bạn cần nhớ không được lạm dụng, chỉ nên uống không quá 1-2 ly mỗi ngày.
Niacin (vitamin B3): Kết quả một cuộc nghiên cứu được công bố trên Tạp chí American Journal of Cardiology cho thấy, việc tiêu thụ thường xuyên chất niacin có thể giúp gia tăng 30% mức HDL trong cơ thể. Các nguồn giàu niacin bao gồm nấm rơm, quả hạch, các loại đậu, gà, thịt bò, cá ngừ, cá hồi, cá thu và rong biển. Trong trường hợp có mức HDL thấp, bạn cần cung cấp từ 500 – 1.000 miligrams niacin mỗi ngày mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, trước hết bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề này.
Theo suckhoe4u