Nỗi lo táo bón ở trẻ sẽ không còn nếu cha mẹ quan tâm và điều chỉnh ăn uống đúng cách cho trẻ. Đồng thời sẽ hạn chế táo bón trở lại nếu duy trì những thay đổi đó.
Nhận biết táo bón ở trẻ
– Số lần đi đại tiện của trẻ giảm so với bình thường. Tùy thuộc vào từng độ tuổi của trẻ mà thời gian giữa 2 lần đại tiện có thể khác nhau, đối với trẻ sơ sinh có thể 3-4 ngày đi một lần và 2-3 ngày một lần với trẻ nhỏ. Nếu dài hơn thời gian trên thì có thể là táo bón.
-Dấu hiệu quan trọng nhất nhận biết táo bón là phân cứng rắn và khô nứt nẻ, có thể tròn nhỏ như phân dê.
– Đại tiện khó khăn, trẻ phải ngồi lâu, rặn nhiều gây đau rát.
– Phân có thể dính máu do tổn thương vùng hậu môn.
– Bụng có thể đầy chướng, trẻ cảm thấy khó chịu, ngại ăn uống, không muốn vui chơi
-Trẻ sợ hãi đi đại tiện, lảng tránh hoặc khóc lóc nếu bố mẹ ép ngồi đại tiện
Táo bón ở trẻ cần cha mẹ nhận thức và điều chỉnh đúng.
Thực tế cho thấy táo bón ở trẻ thường do những thói quen chưa đúng trong ăn uống sinh hoạt, vì vậy có thể chữa táo bón cho trẻ đơn giản nếu cha mẹ biết điều chỉnh kịp thời. Nếu để chậm trễ có thể làm táo bón kéo dài và tạo điều kiện phát sinh biến chứng như bệnh trĩ, sa trực tràng, phình đại tràng, nứt hậu môn gây nhiễm trùng và cả những thay đổi tâm sinh lí khi trẻ lớn lên.
5 điều cha mẹ cần chú ý thay đổi khi trẻ táo bón
1. Cho trẻ uống đủ nước
Nước có vai trò quan trọng trong cơ thể sống, giúp đào thải các chất cặn bã, độc hại trong cơ thể ra ngoài. Trẻ táo bón do phân bị mất nước và trở nên khô cứng vì vậy việc bổ sung nước cho trẻ là rất cần thiết.
Việc cơ thể được cung cấp đủ nước, khoảng từ 1 đến 1,5 lít tính tổng cả ăn uống trong ngày của trẻ, sẽ làm phân trở nên mềm hơn và dễ di chuyển, giúp giảm táo bón.
Tốt nhất nên cho trẻ uống nước lọc, nước đun sôi để nguội, hạn chế nước ngọt và các loại đồ uống có gas. Có thể tăng cường sử dụng thêm nước ép hoa quả như nước mận, lê, táo… pha sữa không được đặc hơn mức khuyến cáo của nhà sản xuất.
2. Bổ sung thêm chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày
Bổ sung thêm chất xơ là điều rất quan trọng khi trẻ bị táo bón. Cha mẹ có thể bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn của trẻ từ rau củ và hoa quả tươi như : măng tây, khoai lang, mồng tơi, súp lơ và các loại hạt ngũ cốc…
Tuy nhiên, có nhiều trẻ không thích, không chịu ăn rau củ, hoa quả… và chế biến những loại thực phẩm giàu chất xơ phù hợp với sở thích của trẻ cũng tốn khá nhiều thời gian, dẫn đến khẩu phần ăn vẫn không đủ lượng chất xơ cần thiết hàng ngày.
Giải pháp ở đây là bổ sung bằng chất xơ hòa tan dạng đóng túi sẵn. Khi vào đường tiêu hóa chất xơ hòa tan làm phân mềm và xốp hơn, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho hệ vi sinh vật có lợi phát triển, giúp lập lại cân bằng và duy trì ổn định cho đường tiêu hóa, giảm nhanh và hiệu quả chứng táo bón ở trẻ.
3. Tập thói quen đại tiện đúng giờ
Khi trẻ duy trì được thói quen đại tiện đúng giờ, cơ thể sẽ tự phát sinh phản xạ tự nhiên (nhu động ruột) để đẩy phân xuống làm trẻ có cảm giác “mót” đại tiện và đi dễ dàng hơn. Để làm được điều này, cha mẹ cần kiên trì, nhắc nhở trẻ trong một thời gian dài để trẻ dần hình thành thói quen đại tiện hàng ngày.
Nếu trẻ đã lớn, cha mẹ hãy khuyến khích tinh thần tự giác của trẻ, hướng dẫn trẻ cách rặn khi đại tiện, động viên trẻ nếu đại tiện khó khăn.Đồng thời cần giữ không gian nhà vệ sinh sạch sẽ để trẻ thấy thoải mái khi đi đại tiện.
Trường hợp trẻ nhỏ, cha mẹ cần hỗ trợ thói quen đại tiện bằng cách “si” cho trẻ. Nên khuyến khích trẻ đại tiện vào buổi sáng và thời điểm thích hợp nhất là sau ăn sáng và trước khi đi nhà trẻ.
4. Tác động cơ học giúp tăng nhu động ruột
Một số biện pháp tác động cơ học giúp tăng nhu động đường tiêu hóa của trẻ, làm phân di chuyển nhanh hơn góp phần giảm táo bón.
Với trẻ nhỏ: Mát-xa bụng cho bé, cách làm là để bé nằm ngửa, đặt nhẹ những đầu ngón tay của bạn vào bụng bé và xoa nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, xoáy chôn ốc từ rốn ra ngoài. Sau đó chuyển sang kiểu “di chuyển chân kiểu đạp xe”: Cho trẻ nằm ngửa, cầm hai chân bé di chuyển lên xuống nhẹ nhàng như bé đang đạp xe.Nên thực hiện vào buổi tối, mỗi lần 10 đến 15 phút.
Với trẻ lớn: Nói với cô giáo khuyến khích trẻ vận động hơn nữa trong thời gian trẻ ở lớp. Ngày nghỉ cha mẹ hãy đưa trẻ đến công viên, khu vui chơi dành cho trẻ.Việc còn lại trẻ sẽ tự giải quyết.
5. Khám bác sĩ khi cần thiết
Trẻ cần được sự thăm khám kỹ lưỡng hơn của bác sĩ khi có một hay nhiều những tình trạng sau: Táo bón kéo dài, phân cứng có dính nhiều máu, hậu môn sưng đau, đau bụng, chướng bụng, mệt mỏi, sốt cao, trẻ quấy khóc nhiều, để có được chẩn đoán chính xác nhất về táo bón và tình trạng hiện tại của trẻ.
Ngoài ra cha mẹ cũng không được tự ý cho trẻ dùng những thuốc chữa táo bón dành cho người lớn, không rõ nguồn gốc, phát sinh những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe của trẻ trước mắt cũng như lâu dài.
Theo suckhoevadoisong