Hỏi: Vừa qua, tôi có mua một mảnh đất rộng 1.000m2. Tuy nhiên, trong đó có 400m2 chưa có sổ đỏ. Người bán đất cho biết, 400m2 này do ngày xưa các cụ mua bán miệng, không có tranh chấp, trước khi bán cho tôi họ sử dụng để trồng rau.
Vậy xin hỏi luật sư, nay tôi có thể làm thủ tục đưa phần diện tích 400m2 nói trên vào sổ đỏ được không?
Xin cảm ơn!
(Thành An)
Được thay đổi diện tích ghi trong sổ đỏ đối với trường hợp nào? (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trả lời:
Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) như sau:
– Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo quy định tại các điều 100, 101, 102 của Luật này;
– Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
– Người mua nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại sổ đỏ bị mất;
– Người được Nhà nước cho thuê đất, giao đất từ sau ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành;
– Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành công đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tố cáo, khiếu nại, tranh chấp về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
– Người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
– Người được nhận chuyển nhượng, chuyển đổi, nhận tặng cho, được thừa kế quyền sử dụng đất và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
– Người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; người được Nhà nước hóa giá, thanh lý nhà ở gắn liền với đất ở;
– Nhóm người sử dụng đất hoặc hai vợ chồng, các thành viên hộ gia đình, tổ chức sử dụng đất hợp nhất, chia tách quyền sử dụng đất hiện có; người sử dụng đất hợp thửa, tách thửa;
– Người sử dụng đất trong khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
Đối với trường hợp cụ thể của bạn, bạn có thể đề nghị cấp sổ đỏ cho 400m2 đất nói trên cũng như làm các thủ tục hợp thửa đất theo quy định tại điều 75 Nghị định 43/2014. Tuy nhiên, điều kiện là, chủ đất còn giữ được các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất được quy định tại điều 100 hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định điều 101 Luật Đất đai 2013.
Để hợp thửa đất, bạn cần làm thủ tục theo trình tự sau đây:
Trước hết, bạn hãy nộp hồ sơ đề nghị đến Văn phòng đăng kí đất đai thuộc UBND cấp huyện nơi mảnh đất tọa lạc. Hồ sơ gồm đơn đề nghị hợp thửa theo mẫu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp.
Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện đo đạc địa chính và lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng cấp sổ đỏ. Cùng với đó, cơ quan có trách nhiệm sẽ tiến hành cập nhật, chỉnh lý biến động vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Khi hai bước trên hoàn tất, bạn sẽ được nhận sổ đỏ tại Văn phòng đăng kí đất đai. Nếu bạn nộp hồ sơ tại cấp xã thì bạn sẽ nhận sổ đỏ tại UBND xã.
Vậy nhưng, bạn cần lưu ý các điều kiện sau trước khi đăng ký làm các thủ tục hợp thửa đất.
Một là, hai mảnh đất trên có cùng mục đích sử dụng. Trong trường hợp hai mảnh đất không cùng mục đích sử dụng, bạn phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 57 Luật này.
Hai là, diện tích hợp thửa không vượt hạn mức đất đã quy định. Cụ thể, hạn mức đất là diện tích tối đa cho người sử dụng đất được hưởng các quyền lợi hoặc thực hiện các nghĩa vụ theo luật định. Quyền lợi của người sử dụng đất sẽ bị hạn chế nếu nằm ngoài hạn mức này, đồng thời người sử dụng đất cũng không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định. UBND cấp tỉnh là cơ quan quy định hạn mức đất.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)
Theo Vnexpress