Vợ chồng anh Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) sở hữu căn hộ không như ý bởi tự mua nội thất, thuê người hoàn thiện thay vì thuê thi công trọn gói.
Dưới đây là chia sẻ của anh Phú về sai lầm tự sửa chữa, mua sắm nội thất không theo thiết kế ban đầu:
Sau gần 10 năm ở nhà đất, vợ chồng tôi quyết định mua căn chung cư 110m2 sống cho thoải mái. Nghĩ sẽ không còn cảnh mướt mồ hôi lau dọn các tầng nhà hay không phải leo cầu thang mỗi ngày, vợ tôi vô cùng hào hứng. Cô ấy tuyên bố rằng sẽ “hiện đại hóa” gia đình.
Nhận bàn giao căn hộ xong, tôi định thuê trọn gói hoàn thiện nội thất của một đơn vị thiết kế do người quen giới thiệu. Sau khi khảo sát căn hộ của tôi, họ làm bản vẽ và đưa ra mức giá trọn gói thiết kế và nội thất từ 400-500 triệu đồng. Vợ tôi tiếc tiền vì cho rằng chi phí như vậy là quá cao. Mặt khác, tôi còn nghe từ bạn bè là đội thi công có thể cắt xén, chọn vật liệu kém chất lượng nên vợ chồng tôi chỉ tham khảo bản thiết kế rồi tự mua sắm nội thất.
Do đó, tôi chỉ trả tiền bản vẽ và tự thuê thợ thi công, mua sắm đồ đạc. Thế nhưng, từ bản vẽ tới thực tế quả là “một trời một vực”, nơi thì hạ trần, nơi đắp thêm thạch cao, rối tung cả lên. Vợ tôi thấy hàng xóm sửa nhà đẹp quá lại muốn làm theo, đội thợ thi công vì thế cũng chóng mặt bởi không còn theo thiết kế ban đầu.
Tự ý sửa chữa và mua sắm nội thất không theo bản vẽ thiết kế, căn hộ hơn 100m2 của anh Phú lỉnh kỉnh như nhà kho. (Ảnh: Home Design Ideas) |
Khi phần nội thất cơ bản hoàn thành, chúng tôi bắt đầu mua sắm vật dụng. Cả hai vợ chồng thống nhất sắm toàn đồ mới, không sử dụng bất cứ món đồ nào từ nhà cũ. Vợ tôi mua rất nhiều những món đồ như máy rửa bát 19 triệu, robot hút bụi 13 triệu, bể cá âm tường 12 triệu, tủ lạnh nội địa Nhật Bản 48 triệu, đèn chùm, kệ tivi…
Sau vài ngày vợ “tung hoành” mua sắm, tôi bắt đầu phát hoảng bởi cô ấy mang về rất nhiều món đồ đắt đỏ nhưng không phù hợp. Chẳng hạn, bộ ghế sofa và đèn chùm phong cách phương Tây hiện đại không ăn nhập với bàn ăn bằng gỗ kích thước lớn đóng ở ngoại thành Hà Nội. Chưa kể, trong khi nội thất nhà hiện đại nhưng vợ lại muốn đặt bàn thờ hoành tráng theo kiểu cổ điển ở một góc…
Sau khi chia phòng chức năng và sắp xếp đồ đạc, căn hộ chung cư hơn 100m2 của chúng tôi không còn nhiều không gian. Nhà cửa chỗ nào cũng vướng, lỉnh kỉnh đồ đạc, đi ra cửa thì vướng tủ giày cao ngất ngưởng, bộ sofa nằm chình ình ở lối ra ban công, bước vào phòng ăn thì đá phải chậu cảnh. Ngoài ra còn kệ trang trí, tranh ảnh, đèn hắt… mỗi thứ một tí khiến phòng khách chẳng khác nào một phòng trưng bày.
Trước cơn cuồng mua sắm của vợ, tôi buộc phải phong tỏa ngân sách của cô ấy. Vợ tôi cũng nhận ra đồ đạc mình sắm không hài hòa với nhau. Tuy rất bực tôi nhưng vợ cũng thừa nhận rằng, việc tự sửa và mua sắm đồ đã vượt quá số tiền đơn vị thiết kế đưa ra ban đầu. Hơn nữa, nội thất không đồng bộ, thiếu tính thẩm mỹ.
Để có thể sở hữu một căn hộ đẹp, phù hợp với khả năng tài chính cũng như sở thích, bạn cần dự trù khoản ngân sách nhất định và tham vấn đơn vị thiết kế chuyên nghiệp. Theo đó, đội ngũ chuyên môn sẽ giúp gia chủ bố trí công năng sử dụng trong căn hộ hợp lý. Chủ nhà nên trao đổi với kiến trúc sư về sở thích, phong cách, cá tính của các thành viên trong gia đình để được tư vấn chính xác nhất. Cùng với đó, bạn nên xem xét cụ thể nhu cầu sử dụng nội thất để kiến trúc sư đưa ra phương án phù hợp. Sau đó, gia chủ có thể thuê một đơn vị thi công độc lập làm theo bản thiết kế của kiến trúc sư. Trong trường hợp gia đình tự mua sắm và bài trí thì cần tuân thủ tuyệt đối bản thiết kế đã định trước. Ngoài ra, gia chủ nên quan tâm tới kích thước, màu sắc và chất liệu của đồ nội thất trong bản vẽ thiết kế để sắm sửa cho phù hợp, tránh khi đặt cạnh nhau có độ chênh, thiếu hài hòa, không đảm bảo tính thẩm mỹ của căn hộ. KTS Huỳnh Xuân Hải (Tp.HCM) |
Theo Vnexpress