Nhiều người vì công việc bận rộn mà “tiết kiệm” giấc ngủ và cho rằng mộng mị khiến não không thực sự được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, thực tế ngủ và mơ có nhiều điểm lợi cho sức khỏe.
Giảm mệt mỏi
Sự vận động tinh thần và thể chất khiến cơ thể cần sử dụng rất nhiều glucose. Năng lượng chính của não bộ lấy từ glucose trong máu. Nếu như glucose trong máu không đủ não sẽ phải huy động nguồn dự trữ chất này của cơ thể. Quá trình này sẽ sản sinh axit lactic. Axit lactic tích lũy nhiều, chính là biểu hiện sinh hóa và sinh lý của sự mệt mỏi. Giấc ngủ có tác dụng xua tan mệt mỏi. Khi ngủ, toàn bộ cơ thể ngưng nghỉ, mức tiêu thụ năng lượng của cơ bắp giảm thấp, để tiết kiệm năng lượng, nhiệt độ cơ thể cũng giảm theo.
Một công năng xuất hiện khi con người ngủ, đó là việc tổng hợp các protein mới. Các protein mới rất quan trọng đối với cơ thể, mà hơn một nửa số chúng chỉ được tổng hợp khi ngủ.
Xử lý thông tin
Ban ngày chúng ta trải qua rất nhiều sự kiện, não bộ luôn luôn trong tình trạng quan sát và ghi nhớ. Cho dù bạn cố ý hay vô tình thì một lượng lớn tín hiệu tiếp nhận từ thị giác cũng sẽ dung nạp vào não bộ. Khi bạn ngủ, não sẽ “tua” phát lại chuỗi sự kiện, và sắp xếp, chỉnh lý nó. Sau đó tùy theo nội dung, não phân chia sự kiện đặt vào các “ngăn” nhận thức, trí nhớ của não.
Ngoài ra, trong đêm, não còn có chức năng học tập, và giấc mơ có thể mang đến sự tổng hợp, sáng tạo từ các tình huống trải nghiệm lúc ban ngày.
Biểu lộ tâm lý
Dù bạn giàu có hay nghèo khổ, trong tiềm thức, bạn đều có những mong muốn được chôn giấu. Theo phân tâm học, ý nghĩa của giấc mơ nằm ở sự thỏa mãn của những dục vọng đó. Đôi khi những giấc mơ đẹp khi ngủ giúp điều chỉnh tâm lý, cân bằng thực tế cuộc sống.
Theo suckhoe4u